Thầy Thiều Quang Tuấn: đôi dòng chia sẻ về học tập, nghiên cứu cùng lời nhắn nhủ đến sinh viên.

Bài viết được đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô ngày 29/01/2017 với tiêu đề 'GS Thiều Quang Tuấn: “Trên bước đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng” ' Nguồn: http://m.tuoitrethudo.vn/giao-su-thieu-quang-tuan-tren-buoc-duong-thanh-cong-khong-co-dau-chan-cua-ke-luoi-bieng-n2017644.html

TTTĐ - Thầy giáo Thiều Quang Tuấn (SN 1973) là một trong những Giáo sư trẻ nhất Việt Nam hiện nay. Anh đang là giảng viên khoa Kỹ thuật biển - Đại học Thủy Lợi. Nhân dịp Xuân mới 2017, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô có dịp trò chuyện với anh.

- Cảm xúc của anh như thế nào khi năm vừa qua, anh được vinh danh là Giáo sư?

 Mình thấy thật vinh dự và trách nhiệm vì chặng đường phía trước còn dài. Mình sẽ luôn cố gắng để đáp lại sự kỳ vọng của mọi người, thực hiện các trọng trách để xứng đáng với sự tin tưởng ấy.

- Là thầy giáo nhiều năm gắn bó với các thế hệ học trò; luôn nỗ lực và tâm huyết để có thành quả như hôm nay. Theo anh, đâu là bí quyết quan trọng nhất?

Thực ra bí quyết của mình rất đơn giản, đó là có đam mê và nỗ lực hết mình. Mình luôn tự tìm cho mình một điểm cân bằng giữa công việc (giảng dạy, nghiên cứu khoa học) và cuộc sống (kinh tế, gia đình, quan hệ…). Khi đã đam mê khoa học, bạn sẽ không thể sa đà vào vấn đề kinh tế. Áp lực tiền bạc đôi khi sẽ làm bạn phân tâm, giằng xé… Tuy nhiên, mình luôn xác định phải sống được bằng nghiên cứu và dành thời gian cho gia đình.

- Theo anh, đâu là sự khác biệt giữa học trò thế hệ 7X (thời của anh) và học trò hiện nay?

- Mình thấy có nhiều sự khác biệt. Học trò thời nay rất năng động. Mạng xã hội đã có nhiều ảnh hưởng đến họ trong cách sống, cách suy nghĩ. Bên cạnh những bạn trẻ sống tích cực, có một bộ phận tỏ ra khá lúng túng và bị động; sống trong một xã hội mở, tràn ngập thông tin nhưng lại gặp khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp. Một số bạn trẻ bị rơi vào cám dỗ, chạy theo thị hiếu tầm thường. Không ít bạn trẻ lại nhầm lẫn giữa cống hiến chuyên môn và việc kiếm tiền. Họ đánh đồng, thậm chí lấy giá trị giàu - nghèo để đong đo kiến thức, thậm chí cả cả nhân cách…

Nhiều bạn trẻ hiện không muốn chọn những con đường khó khăn. Họ muốn làm công việc liên quan đến kinh tế, tài chính, kinh doanh, buôn bán mà quên đi công việc chuyên sâu nghiên cứu trong các lĩnh vực khó. Không thể trách các bạn ấy mà mình chỉ xin lưu ý, đất nước đang cần lắm những người có chuyên môn sâu, những nghiên cứu mang lại lợi ích thiết thực cho cả xã hội.   

- Không ít người vẫn hay phàn nàn, sinh viên ngày nay khi ra trường, ngoài kiến thức chuyên môn học trên lớp, họ “lơ ngơ” về  mọi thứ, từ kỹ năng sống đến cách tổ chức công việc một cách khoa học… Theo anh, làm thế nào để  các bạn trẻ khắc phục được những nhược điểm đó?
Mình cho rằng, bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mỗi con người. Trong bối cảnh hiện nay, kỹ năng đôi khi còn đóng vai trò quan trọng hơn cả kiến thức sách vở. Kỹ năng không tự nhiên có được. Nó sẽ dần hình thành trong quá trình đào tạo trên ghế nhà trường và quan trọng là nỗ lực của mỗi người. Muốn thành đạt, họ cần phải tự học, tự tích lũy để hoàn thiện.

 Vì nhiều lý do khác nhau, giáo dục đại học của chúng ta đang chú trọng nhiều đến cung cấp kiến thức hơn các kỹ năng. Vì vậy, sự tự rèn luyện của sinh viên càng có vai trò quan trọng. Có một câu danh ngôn rất hay “Trên bước đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”... 

- Muốn xây dựng một đất nước mạnh giàu cần phải có một đội ngũ người trẻ tiên phong trong học tập và nghiên cứu. Theo anh, cần phải có những chính sách gì để khuyến khích phát triển đội ngũ trí thức có tính chất “đầu tàu” dẫn dắt này?

Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã và đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút người trẻ, người có trình độ cao tham gia tích cực hơn nữa trong việc dựng xây, kiến thiết đất nước; đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của những nhà khoa học, trí thức được đào tạo ở các nước tiên tiến.

Các chính sách này đang phát huy hiệu quả nhưng mới chỉ dừng lại ở sự thu hút ban đầu. Về lâu dài, những tài năng rất cần môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch, được thừa nhận, được lắng nghe. Đặc biệt đối với người trẻ thì các rào cản về thâm niên cũng dần cần được tháo gỡ để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng.

 - Xin phép riêng tư một chút, bà xã anh hiện làm nghề gì? Cảm xúc của chị ấy (và cả các con anh nữa) thế nào khi anh vinh dự đứng trong hàng ngũ những Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016?

Bà xã mình cũng công tác ở trường Đại học Thủy lợi. Cô ấy làm bên bộ phận quản lý. Khi mình được phong Giáo sư, tất nhiên, cả gia đình ai cũng phấn khởi. Người ta nói “của chồng, công vợ”. Mình hiểu, sự thành công của bản thân có sự đóng góp rất lớn của bà xã và gia đình.

- Những dự định trong năm 2017 của anh là gì?

Mình chỉ luôn nhắc bản thân phải nỗ lực tiếp tục những công việc đang làm. Bên cạnh đó, mình lên kế hoạch cho một số ý tưởng mới. Hy vọng mọi thứ suôn sẻ.

- Nhân dịp đầu xuân mới, anh có nhắn nhủ gì tới các bạn trẻ hiện nay?

Bên cạnh kiến thức, kỹ năng, mỗi bạn trẻ cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể cho con đường phía trước của mình. Điều quan trọng nhất và không thể thiếu với sự thành đạt của mỗi người trẻ đó là ý tưởng và sự đam mê.

Xin cảm ơn Giáo sư Thiều Quang Tuấn. Kính chúc anh và gia đình năm mới hạnh phúc và thành công.