Triều cường và ngập lụt Thành phố Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất miền nam nước ta. Tuy vậy trong thời gian gần đây thành phố luôn chịu thiệt hại nặng nề do tình trạng ngập lụt trên quy mô rộng, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến vệ sinh của người dân.

Các tháng 9 và 10-2018, báo đài đồng loạt đưa tin về lũ kết hợp triều cường gây ra lụt lội ở địa phương. Không chỉ riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập lụt nặng nề.


Ảnh: đường Lê Văn Lương (TPHCM bị ngập nước, bài đăng 9/10/2018 trên báo Thể thao Văn hoá)

Phòng chống lụt lội trước mắt là nhiệm vụ cấp bách. Bên cạnh việc phòng chống lụt lội, các cơ quan chức năng rất quan tâm tìm hiểu nguyên nhân gây ra ngập lụt, nhằm đề xuất những giải pháp hữu hiệu. Tuy vậy đến nay các nguyên nhân mới được nhận dạng theo hướng hai nhóm nhân tố chính: khí tượng thuỷ văn và địa chất.

Thay đổi thuỷ triều do biến đổi khí hậu?

Gần đây, những thiên tai với diễn biến khó lường thường được gán mác “do biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đâu, và có thể dự đoán mức độ đến đâu thì không thể nói chắc. Dưới tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu, mực nước biển Nam bộ dâng lên chừng 7 mm/năm, khá nhỏ để có thể gây ra ngập sâu trên diện rộng. Mọi nhận định được dồn về hiện tượng lũ sông. Các nhà khoa học nghiên cứu dự đoán rằng đến năm 2050, đỉnh lũ sông Mekong sẽ tăng 15-21% và thời đoạn lũ tăng 22%. Lượng mưa tăng 13,5%, mưa có thể trực tiếp gây ngập lụt đối với đô thị hoặc gia tăng lượng lũ trên toàn lưu vực.

Sụt lún đất nền Đồng bằng sông Cửu Long


Hiện nay do sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà lớn nhất là cụm đô thị TP Hồ Chí Minh - Biên Hoà, nhu cầu khai thác nước ngầm là rất lớn. Một số nghiên cứu trong nước và quốc tế dựa trên tài liệu địa chất thuỷ văn cũng như các ảnh vệ tinh cho thấy tốc độ sụt lún nền đồng bằng sông Cửu Long trung bình từ 1–2 cm/năm, thậm chí có thể đến 4 cm/năm ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Yếu tố này còn ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả tốc độ dâng của mực nước biển và chắc chắn là vấn đề cần phải tính đến để cải thiện tình hình trong tương lai.


Hình: Tốc độ lún đất ĐBSCL qua ảnh vệ tinh InSAR

Tài liệu tham khảo


Le Thi Viet Hoa, Nguyen Huu Nhan, Eric Wolanski, Tran Thanh Cong, Haruyama Shigeko (2006) The combined impact on the flooding in Vietnam’s Mekong River delta of local man-made structures, sea level rise, and dams upstream in the river catchment. Estuarine, Coastal and Shelf Science 71: 110–116.

Laura E Erban, Steven M Gorelick and Howard A Zebker (2014) Groundwater extraction, land subsidence, and sea-level rise in the Mekong Delta, Vietnam. Environmental Research Letters 9: 084010.

Richard Beilfuss, Tran Triet. A scoping study on Climate change and hydropower in the Mekong River Basin: a synthesis of research.

 

 

Biên tập: Khoa Kỹ thuật biển